Tin tức của hội

Đừng biến VietGAP thành Việt Gấp. Đừng biến VinaCert thành Vina Lãng xẹt!

Đừng biến VietGAP thành Việt Gấp. Đừng biến VinaCert thành Vina Lãng xẹt!
Sự việc đang lùm xùm chung quanh vụ giấy chứng nhận VietGAP có thể mua bán được dễ dàng. Loạn quá rồi. Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chất lượng lên tiếng đi chứ?
Về cơ bản VietGAP cũng giống GlobalGAP. Tuy vậy trong VietGAP có một số chi tiết thay đổi cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực trong hai năm (GlobalGAP có hiệu lực trong một năm).
Tầm nhìn của VietGAP là hướng tới phát triển bền vững.VietGAP là bước “chạy đà” hòa nhập vào GlobalGAP để hội nhập với thị trường thế giới.
Nhưng đừng nhầm lẫn VietGAP là tiêu chuẩn quốc tế! Tôi đã cảnh báo vấn đề này tại bài trình bày của tôi tại buổi Hội thảo “Hội nhập và quản trị nông nghiệp – Vấn đề và Giải pháp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Tây Ninh ngày 26-12-2015.
Đã từ lâu dư luận lên tiếng rằng có ISO giả trong việc tư vấn, chứng nhận. Tôi xin nói thẳng và ngay luôn rằng: Bản thân ISO không giả, chỉ có người thực hiện giả hoặc dỏm mà thôi. Và hiện tượng đơn vị tư vấn đồng thời là đơn vị cấp chứng nhận (vừa đá bóng vừa thổi còi) không phải là hiếm ở xứ này. Từ lâu Hội chất lượng TP.HCM đã lên án hiện tượng xấu này tại nhiều hội nghị, hội thảo trong nước. Thậm chí còn gay gắt lên án các tổ chức tư vấn cấu kết với tổ chức chứng nhận làm từ A đến Z cho khách hàng. Điều đáng buồn là các đơn vị làm sai Quy tắc Ba bên (DN là bên thứ nhất -Đơn vi tư vấn là bên thứ hai,-Tổ chức chứng nhận là bên thứ ba) đa số lại thuộc về các tổ chức tư vấn/chứng nhận thuộc/trực thuộc cơ quan nhà nước.Các tổ chức chứng nhận quốc tế hoạt động tại VN chấp hành Quy tắc Ba bên nghiêm chỉnh, nhưng dần dà có một số ít chuyên gia “nội địa hóa” làm việc cho các tổ chức quốc tế đã tùy tiện bắt tay với DN VN làm sai quy tắc Ba bên (Người đá bóng không tự thổi còi).
Về giấy chứng nhận GPP (Good Pharmacy Pratice- Thực hành Nhà thuốc tốt) cũng không minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận. Sở Y Tế là cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho các nhà thuốc hoạt động trên địa bàn đồng thời lại là cơ quan cấp giấy chứng nhận GPP cho các nhà thuốc (hic), đây cũng là hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Lý ra việc này phải giao cho bên thứ ba là các tổ chức chứng nhận độc lập đánh giá khách quan. Còn Sở Y tế chỉ là cơ quan công nhận mới đúng thông lệ quốc tế.
Lại nói thêm về việc áp dụng ISO 9001 trong hành chính công, chủ trương của chính phủ thì rất quyết tâm nhưng cách làm của các đơn vị được giao thực hiện thì lề mề, chậm chạp và cũng có dấu hiệu vi phạm Quy tắc Ba bên. Không ít Bộ, Ngành, địa phương xem việc làm ISO 9001 là một việc bắt buộc, là trả nợ Quyết định 144/2006/QĐ-TTg, QĐ 118/QĐ-TTg, QĐ 19/2014/QĐ-TTg của chính phủ mà thôi. Dần dần biến ISO thành “Im Sẽ Ổn”.
Một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng nhiều con sâu quá sẽ đổ hết nồi canh. Phải diệt những con sâu làm rầu nồi canh thôi.
Ngô Văn Nhơn