Tin tức của hội

Hội nghị chất lượng thế giới WCQI 2018 tại Seattle, tiểu bang Washington.

Hội nghị chất lượng thế giới WCQI 2018 từ ngày 30-4 đến ngày 03-5-2018 tại thành phố Seatlle, tiểu bang Washington.
Hội nghị Thế giới về Chất lượng và Cải tiến (The World Conference on  Quality and Improvement –WCQI 2018) đã được tổ chức tại thành phố  Seattle, tiểu bang Washington từ ngày 30 tháng 4 đến 03 tháng 5 năm 2018  do Hội chất lượng Mỹ (American Society for Quality – ASQ) tổ chức.
Với hơn 3500 người tham dự từ 45 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới, hội  nghị là diễn đàn lý tưởng để gặp gỡ các chuyên gia có chất lượng từ nhiều  nguồn gốc và kinh nghiệm từ các ngành công nghiệp mũi nhọn như Boeing,  Amazon, Microsoft, Starbusk. Hội chất lượng TP.HCM đã cử 2 đại diện  tham dự  hội nghị. Các đề tài tập trung ở hội nghị lần này là Chất lượng 4.0;  Rủi ro và thay đổi; Xây dựng và duy trì Văn hóa chất lượng; Những Nguyên  tắc chất lượng trong Kỷ nguyên số,…
Tại hội nghị, Viện trưởng IAQ Elizabeth Keim đã trao quyết định phong  học hàm Viện sĩ Viện Hàn lâm Chất lượng Quốc tế và huy hiệu IAQ cho TS.  Ngô Văn Nhơn, Chủ tịch Hội chất lượng thành phố Hồ Chí Minh –VQAH,  Viện trưởng Viện kiểm định và phát triển chất lượng –IQAD, Ủy viên Ban  chấp hành Hội chất lượng châu Á – ANQ. Trong buổi công bố, Viện  trưởng  IAQ đã phát biểu “Viện sĩ Ngô Văn Nhơn là người Việt Nam đầu tiên  được vinh dự nhận học hàm này do đã đóng góp xuất sắc về khoa học, công  nghệ, kinh tế và quản lý chất lượng chuyên nghiệp, ông là một trong số các  nhà lãnh đạo quốc tế đã cống hiến sức mình trong việc cải tiến chất lượng  sản phẩm và dịch vụ vì lợi ích của nhân loại và mang lại một tiêu chuẩn sống  cao hơn cho tất cả mọi người”.
Để trở thành Viện sĩ IAQ, TS. Nhơn phải trải qua một quy trình xem xét nghiêm ngặt kéo dài trong ba năm và phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có ít nhất 15 năm tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thực hành chất lượng ở quê  nhà và quốc tế; có ít nhất 30 bài viết khoa học được đăng ở các tạp chí uy tín và hội nghị, hội thảo quốc tế; được sự giới thiệu của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam cùng hoạt động với ông trong lĩnh vực chất lượng (GS.TS. Nguyễn Quang Toản – Chủ tịch Danh dự Hội chất lượng TPHCM và TS. Nguyễn Hữu Thiện – Chủ tịch Hội các Phòng Thử nghiệm Việt Nam – Vinalab, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng); được sự bảo trợ của ba chuyên gia chất lượng hàng đầu thế giới là Viện sĩ IAQ (Viện sĩ Tiến sĩ Noriaki Kano – Nhật Bản, Viện sĩ Janak Mehta – Ấn Độ và Viện sĩ Tiến sĩ Yuri Gusakov – Nga); được Hội đồng xét chức danh của IAQ xem xét và bỏ phiếu thừa nhận ông đủ tiêu chuẩn làm Viện sĩ.
Tính đến tháng 5 năm 2018, IAQ có 134 viện sĩ đại diện cho 37 quốc gia trên  toàn thế giới. Trong đó, châu Á chiếm 1/3 số lượng là 45 viện sĩ (đứng đầu là  Nhật Bản 11, Trung Quốc 10, Ấn Độ 7, trong đó khu vực Đông Nam Á mới  có 6 viện sĩ: Singapore 2, Phillipine 2, Thái Lan 1 và Việt Nam 1: Viện sĩ  Ngô Văn Nhơn).
IAQ là một tổ chức phi chính phủ độc lập, tự hỗ trợ, phi lợi nhuận, được  quản lý bởi một tập hợp các cá nhân đã được các đồng nghiệp của họ bầu  chọn từ các nhân vật chính có tiếng tăm và có kinh nghiệm nhất về chất  lượng trên thế giới. Nhiệm vụ của IAQ là phát triển các ngành khoa học chất  lượng và thúc đẩy phổ biến trên toàn cầu. Trong nửa thế kỷ qua, IAQ đã dần  dần phát triển và trở thành một tổ chức trên thế giới được tôn trọng nhất, một  tổ chức nghiên cứu chất lượng phi lợi nhuận có thẩm quyền nhất với sự chăm  chỉ làm việc của các chuyên gia chất lượng cao cấp trên toàn thế giới. Ba cá  nhân được vinh danh là người sáng lập ra IAQ  là các ngôi sao sáng trong  lĩnh vực chất lượng: Kaoru Ishikawa của Nhật Bản, Walter Masing của Đức  và Armand V. Feigenbaum của Mỹ.