Tin tức của hội

TÍN HIỆU VUI CHO CHẤT LƯỢNG HÀNG NÔNG SẢN VIỆT NAM

Theo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), Tổ liên kết sản xuất sầu riêng xã Sơn Định, huyện Chợ Lách với diện tích 14ha, có 37 hộ tham gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ canh tác bài bản, tuân thủ chặt các quy trình chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật… giúp sầu riêng VietGAP của tổ tăng về chất lượng và năng suất.

Nếu năng suất sầu riêng Ri-6, cơm vàng sữa hạt lép… được trồng bên ngoài đạt trung bình 25 tấn/ha thì sầu riêng VietGAP đạt khoảng 30 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 35 – 40 tấn/ha. Đặc biệt, sầu riêng Ri-6 và cơm vàng sữa hạt lép năm nay được giá cao, khoảng 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, những hộ trồng sầu riêng VietGAP có thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/ha.

    

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam(VASEP) cho biết từ đầu năm đến nay xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn trên nhiều mặt khiến kim ngạch giảm. Thế nhưng, nhiều đối tác nước ngoài đánh giá cao về chất lượng của các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
 

Cụ thể, thống kê từ 3 thị trường lớn nhập khẩu thủy sản của VN là EU, Nhật Bản và Mỹ cho thấy chất lượng thủy sản Việt Nam được cải thiện đáng kể so với những năm trước. Hiện tại, ở vùng ĐBSCL có khoảng 103 trại nuôi cá tra với diện tích 2.800ha (chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi cá tra) đạt các chứng nhận bền vững, hơn 50% nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC… Ngày càng nhiều vùng nuôi thủy sản được cấp chứng nhập GlobalGAP, ASC, BAP, SQF 1000, SQF 2000, ISO 22000,… đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Theo Tổng cục Thủy sản, những năm qua Việt Nam luôn duy trì là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản với giá trị không ngừng tăng. Năm 2012, sản phẩm thủy sản Việt Nam được xuất sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch hơn 6,13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cá tra của Việt Nam chiếm đến 99% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trên thế giới.
 

 
• GlobalGAP: Thực hành tốt trong sản xuất nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp sạch toàn cầu (Global Good Agriculture Practices).
• VietGAP: Thực hành tốt trong sản xuất nông nghiệp  hay sản xuất nông nghiệp sạch Việt Nam (Good Agriculture Practices).
• ISO 22000: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (Food Safety Management System)
• SQF 1000: Nguyên liệu thực phẩm chất lượng an toàn (Safe Quality Food)
• SQF 2000: Thực phẩm chất lượng an toàn (Safe Quality Food)
• ASC: Quy trình chứng nhận cho cá tra của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (Aquaculture Stewardship Council). Tiêu chuẩn ASC không thay thế cho tiêu chuẩn GLOBALGAP đang được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hướng tới nhưng là một sự củng cố cho GLOBALGAP về những vấn đề môi trường và xã hội.
• BAP: Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (Best Aquaculture Practices)

Nên theo GAP, BAP, ASC, SQF hay ISO…?
Hiện nay người nông dân nuôi trồng cũng như doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản đang bị “rối loạn” và “bội thực” với quá nhiều chứng nhận về nuôi trồng và chế biến. Vì vậy, lời khuyên của chuyên gia là cần chọn chứng nhận nào là phù hợp và cần thiết cho việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu của chính mình. Việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là điều bắt buộc nếu muốn vượt rào cản TBT để xuất khẩu và hội nhập.
Tuy nhiên, để có được các chứng nhận trên, đòi hỏi phải có sự đầu tư tài chính, nhân lực và thời gian thích đáng. Theo Patrick Sorgeloos, chuyên gia thủy sản châu Âu: Doanh nghiệp nên nghiên cứu cẩn thận xem định nhắm vào thị trường nào, phân khúc nào để theo đuổi việc thực hiện các chứng nhận, tiêu chuẩn nuôi trồng, chế biến.

Một số khuyến nghị của Hội chất lượng thành phố Hồ Chí Minh

• Khuyến khích các tổ chức, công dân, khách hàng nên mua hàng của những doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
• Lập hàng rào TBT chặt chẽ, nghiêm khắc đối với nhà nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ vào VN. Các nước Mỹ, Nhật Bản, EU . . .  làm việc này rất tốt.
• Đưa các tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm vào giảng dạy tại các trường Đại học/Cao đẳng/các trường nghề.
• Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng cho tất cả các loại được gọi là thực phẩm. Các nội dung hỗ trợ như xác định vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung, đào tạo tập huấn, hỗ trợ một lần kinh phí chứng nhận, . . .
• Đi đôi với việc hỗ trợ nông dân áp dụng các tiêu chuẩn an toàn chất lượng trong sản xuất thì việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm an toàn do nông dân làm ra đang là khâu hạn chế nhất hiện nay. Vì vậy, bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế cần phối hợp để từng bước tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn ở trong nước. Trước mắt cần quy định bắt buộc một số khu vực (siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, cửa hàng bán lẻ, tổ chức, cá nhân chế biến, xuất khẩu . . .) phải tiêu thụ sản phẩm an toàn, có địa chỉ, có nguồn gốc, tiến tới bắt buộc với tất cả các đối tượng khác buôn bán, kinh doanh trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người nông dân, người tiêu dùng, tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định./.


Ngô Văn Nhơn