Tin tức của hội

Xây dựng chương trình đạt chuẩn chất lượng quốc tế- Hướng đi tất yếu để đổi mới GDĐH và hội nhập giáo dục thế giới

Sáng 9-4-2013, Đại học Quốc gia TPHCM đã trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA, chuẩn chất lượng do mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) kiểm định và công nhận cho 7 chương trình đào tạo của các trường đại học thành viên.

7 chương trình gồm: ngành công nghệ thông tin (CNTT), khoa CNTT Trường ĐH KHTN; điện tử viễn thông, khoa điện – điện tử và kỹ thuật chế tạo, khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa; ngành CNTT, khoa CNTT và công nghệ sinh học, khoa công nghệ sinh học, ngành quản trị kinh doanh, khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế và ngành Việt Nam học, khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH-NV.

Ngành điện tử viễn thông ĐH Quốc tế đã hoàn thành những thủ tục kiểm định cuối cùng để được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số chương trình được kiểm định của ĐHQG TPHCM lên con số 8.

AUN-QA là gì?

Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Tính đến nay, đã có 27 trường đại học đến từ 10 quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của tổ chức này. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA).   Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 18 tiêu chuẩn với 74 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức:

Mức 1: Không có gì (không có tài liệu, kế hoạch, hồ sơ minh chứng )
Mức 2: Mới xây dựng kế hoạch
Mức 3: Có tài liệu, nhưng không có hồ minh chứng hoặc có nhưng không rõ ràng
Mức 4: Có tài liệu và hồ sơ minh chứng rõ ràng
Mức 5: Có hồ sơ minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét
Mức 6: Chất lượng tốt
Mức 7: Xuất sắc.

Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 74 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN.
Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN-QA nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

Theo góc độ của chuyên gia quản lý chất lượng lâu năm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, chúng tôi cho rằng việc đạt chuẩn Chương trình đào tạo AUN-QA là khó trong nền chất lượng chung của GDĐH ở nước ta hiện nay, tuy nhiên khó nhưng không phải là không làm được!

Đối với những trường đã xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 sẽ thuận lợi rất nhiều nếu muốn xây dựng Chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA và khả năng đạt từ mức 4 đến mức 6 là cao. Vì ISO 9001 được coi là nền móng của ngôi nhà chất lượng TQM (Quản lý Chất lượng Toàn diện). Khi vận hành ISO 90001, bắt buộc phải  kiểm soát được tài liệu (Điều khoản 4.2.3, ISO 9001:2008) , kiểm soát được hồ sơ (Điều khoản 4.2.4, ISO 9001:2008) một cách chính xác, rõ ràng và khoa học và phải đo lường được mức hiệu quả của sự thỏa mãn khách hàng bên trong -CBVC, giảng viên- và khách hàng bên ngoài-sinh viên, nhà sử dụng lao động và các bên quan tâm- (Điều khoản 8.2.1, ISO 9001:2008).
 

Ts. Ngô Văn Nhơn, Chủ tịch Hội chất lượng TP.HCM  báo cáo kinh nghiệm áp dụng ISO 9001:2008
trong GDĐH Việt Nam tại Hội thảo khoa học Quản lý Giáo dục Châu Á năm 2013 tại Hồng Công

Đối với nhựng trường đã xây dựng CTĐT theo cách tiếp cận CDIO* cũng sẽ rất thuận lợi cho việc đánh giá kiểm định theo chuẩn AUN-QA. Một ví dụ thực tế, một trong số 7 CTĐT của ĐHQG TPHCM được đánh giá chuẩn AUN-QA thì có chí ít 2 ngành đã xây dựng CTĐT theo cách tiếp cận CDIO là ngành Công nghệ Thông tin của Khoa CNTT trường ĐH Khoa học Tự nhiên và ngành Kỹ thuật Chế tạo của Khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa TPHCM.

*Chú thích: CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục đại học, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT (Mỹ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ. Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và nâng cấp các chương trình đào tạo phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, từ khâu xây dựng CĐR, thiết kế khung chương trình, chuyển tải khung chương trình vào thực tiễn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ Chương trình. Bản chất của phương pháp phát triển đào tạo theo mô hình CDIO là sự phát triển của cách tiếp cận quá trình với phương pháp luận CDIO là: Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) – Vận hành (Operate). Nó tương đồng với công cụ quản lý chất lượng vòng tròn Deming: P (Lập kế hoạch)- D (Thực hiện) – C (Kiểm tra) – A (Khắc phục).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa qua đã ký ban hành Chương trình hành động của ngành giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020, Kết luận số 51-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chương trình đặt mục tiêu khắc phục những yếu kém, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo trong thời gian qua.

Nhưng để góp phần biến kế hoạch trên trở thành hiện thực và có giá trị thực tiễn cuộc sống, theo chúng tôi, các trường đại học, cao đẳng, dù công hay là tư, phải tích cực thực hiện phương châm “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng nhiều cách thiết thực để tự đổi mới giáo dục, tự nâng cao chất lượng, hơn là hô hào khẩu hiệu suông!

Hãy chọn một hay nhiều phương tiện bắt đầu từ 10 Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam để đi từ đường làng ra quốc lộ còn nhiều ổ gà, ổ voi, đường chờ lún, cầu chờ lún, trường chờ Bộ,..; từ quốc lộ ra đường cao tốc, sịêu cao tốc trên những phương tiện chuẩn mực quốc tế như ISO 9001, EFQM, CDIO, AUN-QA, ABET, TQM.

TS. Ngô Văn Nhơn
Chủ tịch Hội chất Lượng TP.Hồ Chí Minh (VQAH)
Viện trưởng Viện kiểm định và phát triển chất lượng (IQAD)
Ủy viên Ban chấp hành Hội chất lượng châu Á (ANQ)
Ủy viên Ủy ban Chứng nhận & Kiểm định Chất lượng châu Á (ANQ-CEC)
Email: vqa.hcm@gmail.com
Website: www.vietnamquality.org.vn,  https://anforq.org