Tin tức chung

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG XANH

Trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ hướng tới mục tiêu net-zero, giảm khí thải và phát triển bền vững. Trong rất nhiều khía cạnh của chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các tòa nhà cao tầng nổi lên như một điểm nóng về tiêu thụ năng lượng và là một trong các mục tiêu cần ưu tiên “xanh hóa”. Từ đó, xu hướng “văn phòng xanh” ra đời và ngày càng được phát triển rộng rãi.

1. Hệ quả từ các tòa nhà cao tầng và xu hướng “văn phòng xanh”

Theo một báo cáo của UNEP, các tòa nhà đang tiêu thụ tới 40% lượng năng lượng toàn cầu và phát thải khoảng 1/3 lượng khí nhà kính. Tại Châu Âu, 220 triệu tòa nhà (tương ứng 75% tổng số lượng) được đánh giá là kém hiệu quả về năng lượng do sử dụng các hệ thống điều hòa, sưởi chạy bằng năng lượng hóa thạch.

Một phân tích khác của Diễn đàn kinh tế thế giới cho biết nếu 20% lượng nhiệt sưởi ấm được chuyển dịch nguồn cung sang năng lượng sạch, lượng khí thải CO2 sẽ giảm 9%.

 

Thông qua việc chuyển dịch nguồn năng lượng, giảm ô nhiễm không khí, chuyển dịch các văn phòng truyền thống thành văn phòng xanh, các quốc gia cũng có thể tiết kiệm tới 3 tỷ Euro chi phí chăm sóc sức cho giai đoạn từ nay đến 2030.

Mỗi tòa nhà thường có tuổi thọ trung bình lên tới 50 năm, vì vậy cần đảm bảo các tòa nhà mới xây dựng đảm bảo các tiêu chí xanh, và giảm phát thải nhằm đáp ứng mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trong dài hạn (Tricoire, 2021).

Tham chiếu tới tình hình Việt Nam, tới tháng 9 năm 2020, có khoảng 83 tòa nhà đạt chứng chỉ LEED, 125 đang trong quá trình đánh giá (VGBC, 2020). Tỷ lệ này là rất thấp so với hàng chục ngàn tòa nhà đang hoạt động và được xây mới tại Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, thực trạng với phần lớn lượng điện năng đang được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, việc khử carbon tại các tòa nhà sẽ trở thành trở ngại lớn trong tiến trình net-zero tại Việt Nam. Việc tìm ra các giải pháp để “xanh hóa” văn phòng, hướng tới phát triển văn phòng xanh đang ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh hiện nay

  1. Các chứng chỉ công trình xanh

 2.1. LEED

LEED là viết tắt của Leadership in Energy and Environmental Design. Đây là hệ thống đánh giá công trình xanh và văn phòng xanh được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Hệ thống này được áp dụng cho hầu hết các loại tòa nhà, nhà ở và công trình công cộng. LEED cung cấp một khuôn khổ để xây dựng các công trình hiệu quả cao, xanh và tiết kiệm. Chứng chỉ LEED được công nhận toàn cầu về mục tiêu bền vững (USGBC, LEED rating system).

LEED-CI là hệ thống đánh giá tập trung vào các yếu tố bên trong và các thiết kế dành cho khách thuê sử dụng một phần không gian trong tòa nhà. LEED-CI cho phép khách thuê và các nhà thiết kế điều chỉnh các không gian và khuyến khích các giải pháp thiết kế thân thiện với môi trường. LEAD-CI có phạm vi đánh giá bao gồm tất cả các yếu tố bên trong ví dụ như sàn và tường, hệ thống ánh sáng, nội thất, hệ thống cơ khí và trải nghiệm của cá nhân sử dụng.

 2.2. BREEAM

BREEAM, viết tắt của Building Research Establishment Environmental Assessment Method (tạm dịch: Phương pháp đánh giá Môi trường của Tổ chức Nghiên cứu Xây dựng Anh BRE). Đây là hệ thống chứng chỉ lâu đời nhất về đánh giá bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của ngành xây dựng tới môi trường. Tương tự như các phương pháp đánh giá văn phòng xanh khác, BREEAM đánh giá các mức độ tuân thủ của công trình dựa trên một danh sách các mục tiêu bền vững công khai, khoa học. Hệ thống này dựa trên nguyên tắc đánh giá khách quan từ bên thứ ba, nghĩa là đơn vị trực tiếp đánh giá sẽ độc lập hoàn toàn với BRE Global để đảm bảo rằng đánh giá được chấp thuận bởi nhiều bên và có chất lượng tốt nhất (BRE Group, HOW BREEAM works 2023).

2.3. WELL

Tiêu chuẩn tòa nhà Well (Well Building Standard) cũng là một tiêu chuẩn đáng chú ý trong việc đánh giá văn phòng xanh. Well là hệ thống đánh giá dựa trên hiệu quả thực tế, trong đó đo lường, cấp chứng chỉ và giám sát các yếu tố của tòa nhà ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của con người. Các tiêu chí bao gồm không khí, nước, dinh dưỡng, ánh sáng, sự thoải mái, thể chất và tinh thần. WELL được xây dựng dựa trên nền tảng là các nghiên cứu y học về mối liên kết giữa các tòa nhà với sức khỏe và đời sống của người sử dụng. Đây cũng là điểm khác biệt của WELL so với hai tiêu chuẩn trên khi thống kê cho thấy 90% thời gian hàng ngày của con người sinh hoạt trong các môi trường kín như các tòa nhà. Do vậy, hàng trăm tiêu chí đánh giá của WELL xoay quanh tác động của công trình tới sức khỏe của người sử dụng. Một số tiêu chí của WELL khuyến khích thay đổi các hành vi của doanh nghiệp thông qua đào tạo, quy chế và văn hóa doanh nghiệp (Well building standard® 2020).

Các chứng chỉ công trình xanh

3. Các giải pháp để “xanh hóa” văn phòng, hướng tới văn phòng xanh

 3.1. Giảm tiêu thụ điện năng

Đây dường như là phương án đầu tiên được nghĩ đến nhằm hiện thực hóa “văn phòng xanh”, nhưng các biện pháp tiết kiệm thông thường không tạo ra được nhiều sự thay đổi nếu không có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại. Để đo lường lượng tiêu thụ điện trong từng khu vực, từng khoảng thời gian, các văn phòng cần bổ sung các cảm biến/thiết bị đo lường tương ứng. Một số công nghệ (ví dụ GoBright), còn có thể đo lường cường độ sử dụng năng lượng của từng thiết bị trong văn phòng. Từ dữ liệu này, các giải pháp quản lí tòa nhà (BMS) có thể tính toán thời gian hoạt động của khu vực văn phòng hoặc thiết bị để tối ưu lượng điện năng sử dụng. HDL Automation hiện đang thử nghiệm một công nghệ cho phép hấp thụ quang năng trên mặt tiền các công trình và tái sử dụng vào chiếu sáng ban đêm hoặc khi thiếu sáng.

Tòa nhà Bahrain World Trade Center sử dụng năng lượng gió để tạo ra một phần điện năng vận hành

Với các công nghệ tiên tiến hơn, một số tòa nhà sử dụng công nghệ kính thông minh (smart glass) để phối màu kính, giảm lượng nhiệt năng hấp thụ từ ánh sáng mặt trời. Nhờ đó, năng lượng tiêu thụ cho các hệ thống điều hòa văn phòng được tiết giảm. Loại kính này đang được khách sạn W tại San Francisco sử dụng thay thế cho cửa kính thông thường. Trồng nhiều cây trong các khoảng không gian sân thượng cũng là một giải pháp giúp cân bằng trao đổi nhiệt giữa công trình và môi trường. Giải pháp này đang được sử dụng tại Tòa thị chính Chicago hay sân vận động Street Dome ở Đan Mạch.

3.2. Các tòa nhà tự tạo ra năng lượng

Ý tưởng tận dụng năng lượng gió để tạo ra điện năng trên các tòa nhà cao tầng nhằm “xanh hóa” văn phòng đã không còn chỉ là lý thuyết. Turbin điện gió đã được lắp đặt tại các công trình trọng điểm như sân vận động của đội Philadelphia Eagles, tòa Bahrain World Trade Center để tự tạo ra một phần điện năng vận hành (Glaze, 2019).

Sân vận động Philadelphia Eagles

3.3. Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường

Các vật liệu tái chế có thể nhanh chóng tạo ra sự thay đổi và giảm mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cũng là 1 biện pháp nhằm biến đổi 1 văn phòng truyền thống thành văn phòng xanh. Hiện nay văn phòng của Amazon, Hulu, HBO và Google đều sử dụng 100% gỗ tái chế. Các công nghệ luyện kim hiện đại cũng đã cho phép tái chế thép, kính và nhôm trong việc xây dựng công trình. Ngoài ra vải sơn, ferrock (một giải pháp thay thế cho bê tông bằng một hỗn hợp của bụi thép và cát) cũng là những vật liệu mới đang được nghiên cứu và thử nghiệm cho việc thi công sàn và lót sàn văn phòng.

Một tòa nhà được xây dựng bằng thép tái chế tại Seattle, Hoa Kỳ.

4. Kết luận

Phát triển bền vững trên nguyên tắc ESG là xu hướng tất yếu và tạo ra tác động toàn diện lên nhiều ngành nghề khác nhau. Do các yếu tố lịch sử, công nghệ cũ, các tòa nhà cao ốc đang được đánh giá là điểm nóng cần ưu tiên chuyển đổi để đạt được các mục tiêu net-zero. Về mặt thị trường, nhu cầu sử dụng các văn phòng xanh cũng đang vượt nhiều so với nguồn cung, đặc biệt tại các thị trường tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được nhiều nhà phát triển bất động sản chú trọng.

Trong tương lai, việc triển khai các giải pháp xanh hóa văn phòng sẽ cần sự chung tay từ nhiều bên, bao gồm chủ đầu tư, đơn vị vận hành, cũng như khách hàng thuê văn phòng. Văn phòng xanh sẽ là một thành tố quan trọng trong bức tranh chung về ESG của doanh nghiệp và góp phần phát triển một hệ sinh thái bền vững hơn.

Nguồn tham khảo
(1) VGBC. 2020. Green building in Vietnam.
(2) World Economic Forum. 2021. Buildings are the foundation of our energy-efficient future.
(3) Well building standard®. 2020. WELL Standard
(4) BRE Group – Building a better world together. 2023. How Breeam works
(5) LEED rating system. U.S. Green Building Council
(6) Glaze. 2019. 5 Green Technologies That Are Helping Office Buildings Combat Climate Crisis