Tin tức của hội

PDCA và cuộc sống

GS.TS. Noriaki Kano Bậc thầy về Quản lý chất lượng (QLCL) thế giới đã trình bày tại một khóa  đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý chất lượng (EPQM) cho các doanh nghiệp, công ty và tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và Thái Lan do Hội Chất lượng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội tu nghiệp kỹ thuật hải ngoại Nhật Bản (AOTS) tổ chức tại TP.HCM vào năm 2009 rằng: “Nước Nhật sau chiến tranh thế giới thứ II được xây dựng lại và phát triển một cách ngoạn mục bởi họ đã áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng theo nguyên tắc: PDCA – Vòng tròn Deming”

 
Hiểu theo cách của GS. Kano là những ai tham gia vào hệ thống cung cấp, phục vụ các nhu cầu của cộng đồng, xã hội thì phải tự xây dựng bản thân, chịu trách nhiệm phát triển bản thân, tuân thủ nghiêm túc chu trình PDCA căn bản này. Điều đó đã đem lại một giá trị cốt lõi đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước Nhật bản và con người Nhật Bản ngày nay một “Tinh thần Nhật Bản” mà cả thế giới nhận ra trong và sau cơn chấn động kép (động đất – sóng thần năm 2011).
Ông Đỗ Như Lực, Phó chủ tịch Hội Chất Lượng TP. HCM chia xẻ về PDCA
với cựu học viên Trung tâm TSK  Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên
https://cstc.vn/index.php/vi/sinh-hoat-cuoi-tuan/406-tuongthuat-20121222-anh-01.html

 

Với sự phát triển ngoạn mục kinh tế văn hoá, xã hội cuả Hàn Quốc cũng là một điển hình áp dụng PDCA có nền tảng bền vững bởi sự quan tâm rất đặc biệt cuả các cấp chuyên môn trong việc khuyến khích, hỗ trợ đồng thời kiểm soát sự áp dụng và duy trì hệ thống PDCA quản lý chất lượng phát triển, theo chân nhà đầu tư vượt biên giới đi khắp thế giới cũng bởi trách nhiệm giữ gìn phát huy  một tinh thần và văn hoá chất lượng Hàn Quốc. Điển hình như SAMSUNG, HYUNDAI, LG… và cũng là lý do đó, ông Ki-Soo Kwon, Tổng Giám đốc Bộ phận Kế hoạch Chiến lược của Hội tiêu chuẩn Hàn Quốc (KSA) đã đến Việt Nam vào đầu tháng 2 năm 2013 và đề nghị hợp tác với VQAH  mở văn phòng đại diện để giám sát và hỗ trợ các công ty Hàn quốc tại Việt Nam duy trì và phát triển PDCA và quản lý chất lượng bền vững.

 

Ông Ki-Soo Kwon  Tổng giám đốc Bộ phận Kế hoạch Chiến lược của
Hội tiêu chuẩn Hàn Quốc (KSA) đến thăm và làm việc với Hội chất lượng TP.HCM   

 
 

Hiểu và thực hành tốt PDCA sẽ gặt hái được kết quả toàn diện
 
GS.TS. Nguyễn Quang Toản, bậc thầy về Quản lý chất lượng tại Việt Nam thường xuyên nói đến PDCA tại các chương trình, sách, tài liệu đào tạo cán bộ lãnh đạo QLCL cho các tổ chức đơn vị trên cả nước Việt Nam rằng “nếu ai chịu hiểu và thực hành tốt PDCA thì sẽ gặt hái được kết quả toàn diện”. Nhưng thực tế chỉ có khoảng trên 30% là hiểu và thực hành tốt. Các điển hình đó là UBND Quận 1, TP.HCM áp dụng QLCL ISO 9000 vào hành chánh công hiệu quả nhất cả nước, được người dân tín nhiệm. ; Trường Đại học Sao Đỏ ở tận tỉnh Hải Dương miền Bắc, nhưng nhờ thực hành tốt QLCL mà được Hội chất lượng châu Á (ANQ) xét tặng “Giải thưởng Thực hành Quản lý chất lượng xuất sắc châu Á-ARE-QP” năm 2012; Công ty Gốm sứ Minh Long I đạt Giải thưởng chất lượng Châu Á Thái Bình Dương 2011 do đã thực hành QLCL xuất sắc từ tư duy đến hành động, đã làm nên những huyền thoại Minh Long; Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, nơi có những con người đã tận tâm, tận lực với thế hệ trẻ tương lai mà luôn duy trì đầu tư từ con người đến công nghệ, đời sống liên quan đến giá trị cuộc sống của trường, của xã hội, của cộng đồng; Công ty nước uống tinh khiết Sài Gòn (SAPUWA) hoặc sản phẩm ổn áp, bơm nước hiệu SUTUDO,…cũng chung một hình mẫu áp dụng PDCA. Những đơn vị  trên đã áp dụng và duy trì không mệt mõi các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001:2008. Sapuwa còn áp dụng thêm SQF 2000 (An toàn Chất lượng Thực phẩm) để luôn bảo đãm rằng quyền lợi khách hàng luôn được chăm sóc từng thời khắc, từng ngày bởi từng con người PDCA của tập thể đơn vị SAPUWA.
 
Còn 70% là các đơn vị thực hành PDCA “bằng niềm tin”, tin vào các tổ chức tư vấn thực hiện “vận hành giúp” hệ thống QLCL, thay vì chính đơn vị phải tự xây dựng và vận hành. Đây là hình ảnh những người khổng lồ đang đứng trên đôi vai người khác là “tổ chức tư vấn”.

 
 

Khi người ta không “Nói” về PDCA  mà “Tư duy và hành động” theo PDCA
 
Tại cuộc tiếp xúc đầu năm 2013 giữa Nhóm chuyên gia cao cấp tình nguyện viên tại TP. HCM của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với  Hội chất lương TP. Hồ Chí Minh nhằm mục đích hợp tác để hỗ trợ đào tạo QLCL miễn phí dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, chương trình  được chính phủ Nhật Bản tài trợ  100% chi phí. Trong giai đoạn 2013-2014 đã và sẽ thực hiện đào tạo cho khoảng 45 doanh nghiệp. Những người tham gia dự án tình nguyện JICA là những  người từng là những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại các tập đoàn, các viện, các tổ chức khoa học hàng đầu của Nhật Bản đã nghỉ hưu đến Việt Nam chia xẻ, hỗ trợ trực tiếp đào tạo, hướng dẫn theo dõi, cổ động, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nền tảng căn bản QLCL theo chu trình PDCA…

 

       JICA đến làm việc với  Hội chất lượng TP.HCM (VQAH)

 

Ông Itsuno Susumu, tình nguyện viên cao cấp JICA Nhật Bản đã tặng VQAH sách và tài liệu đào tạo QLCL bằng 7 công cụ  QC, cho biết chương trình hỗ trợ này sẽ được JICA bắt đầu thực hiện đối với các tổ chức và đơn vị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và VQAH giới thiệu. Thời gian thực hiện đến hết tháng 6 năm 2014. Bằng việc đơn giản nhất là đào tạo cho từng người trong các đơn vị, học và thực hành PDCA để giải quyết vấn đề nhỏ nhất như là từng chi tiết máy PDCA, lớn hơn là cổ máy PDCA. Đó là cách mà người Nhật đã sống, tồn tại, phát triển và đã giải quyết vấn đề lớn nhỏ mà thế giới gọi là  “Tinh thần Nhật bản”.

 
 

Tạo dựng tinh thần PDCA tại Việt Nam
 
Theo TS. Ngô Văn Nhơn Chủ tịch Hội Chất Lượng TP. HCM, Viện trưởng Viện kiểm định và phát triển chất lượng (IQAD) chia sẻ “Không phải chúng tôi không biết PDCA, mà thực tế chúng tôi đã liên tục đào tạo  PDCA từ  hàng chục năm qua trong các doanh nghiệp, trường học, hành chính công,… Nhưng có lẽ “Bụt nhà không thiêng”. Người ta thiếu lòng kiên nhẫn áp dụng và duy trì nên chỉ dựa vào các tổ chức tư vấn thực hiện “thay”. Nên khi phải tự mình duy trì thường gặp tình huống không thể thực hiện được vì thiếu hoàn toàn kỹ năng, “thiếu tiền” và hậu quả là  trở về “con số không” sau khi tư vấn rút đi”.
 
Và nó lại được lẫn quẫn với câu: “có thực mới vực được đạo”. Điển hình như Hợp Tác Xã (HTX) Bưởi Năm roi là một tên tuổi thương hiệu trái cây nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long, vậy mà sau một đợt áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap do một công ty tư vấn X “làm thay” tốn đến vài chục ngàn đô la nhưng xuất khẩu được vài lô hàng cho Metro. Sau đó HTX không biết phải làm gì để tiếp tục duy trì “Global Gap” vì đa số xã viên nông dân không biết, không hiểu nên không có “kỹ năng để thực hành chu trình PDCA căn bản” vậy là việc thực hành GAP lại chìm vào quên lãng. Đến khi có khách mua hàng thì GAP đã không còn hiệu lực và mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh…Bây giờ muốn duy trì thì phải đào tạo lại toàn bộ mất phí gấp vài lần so với phí duy trì nhưng vẫn là quá muộn bởi cuộc sống của nhiều người lao động trong hệ thống sản xuất của Bưởi Năm roi lại tiếp tục gặp khó khăn bởi thiếu hoàn toàn kỹ năng từ căn bản PDCA.
 
Đó là “tính nhân quả” của sự phát triển không bền vững, ăn xổi ở thì hoặc “mì ăn liền”. Và ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng đang bị ách tắt… vì cùng cảnh ngộ như vậy.
 
Vì vậy mà JICA có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể có được khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ theo các tiêu chuẩn kỹ của đối tác Nhật, đặc biệt là ngành cơ khí kỹ thuật điện, điện tử.

 

Đỗ Như Lực