Tin tức Trách nhiệm Xã hội

CHẤT LƯỢNG XANH – “VŨ KHÍ MỀM” TRONG “CUỘC CHIẾN” PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Vài chia sẻ từ  Ông. Trần Văn Liêng: Chủ tịch Hội Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh,  Chủ tịch Vinacacao : Doanh nghiệp 20 năm đi đầu và thành công trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm làm từ Ca cao , đưa Việt Nam vào bản đồ Cacao Thế giới.

PV: Chào ông, trước tiên chúc mừng Ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2023-2028. Trên cương vị này, chắc hẳn Ông sẽ có vài cảm nhận muốn chia sẻ?

Ông. Liêng:

Phải, đầu tiên Tôi cảm ơn lịch sử hình thành và sự có mặt của Hội Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh (Vietnam Quality Association of Ho Chi Minh City – gọi tắt là VQAH), Hội đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được vinh dự “gánh vác trọng trách” về chất lượng và luôn là tổ chức tập hợp các cá nhân, tổ chức không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong công cuộc kinh doanh của mình, góp phần phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và của Việt Nam

Tiếp đến Tôi biết ơn người tiền nhiệm là Cố GS.TS – Cố Chủ tịch Ngô Văn Nhơn trong suốt nhiều năm đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp chất lượng, phát triển Hội. Lúc còn sinh thời, Cố Chủ tịch Nhơn cũng đã chia sẻ cùng Tôi nhiều tâm huyết và mong muốn được làm nhiều điều ý nghĩa và giá trị hơn cho cộng đồng những ai xem trọng chất lượng. Tôi quý trọng vô cùng và tự ngẫm sẽ nỗ lực trong khả năng của mình để tiếp tục kế thừa di nguyện của Cố Chủ tịch, đưa Hội Chất lượng TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững.

(Ông Liêng cùng Cố GS.TS Ngô Văn Nhơn)

Một người nữa Tôi cũng muốn tri ân chính là PGS TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ tịch Hội Chất lượng TP HCM thời kỳ đầu, vị “cha đẻ” và là một trong những người đặt nền móng cho hoạt động chất lượng Việt Nam. PGS Toản có nhiều thành tựu cá nhân và đóng góp cho nhiều tổ chức các giá trị trong việc vận hành, kiểm tra, quản lý chất lượng Việt Nam và mở rộng hội nhập cho Hội Chất lượng TP HCM trên trường quốc tế.

(Ông Liêng cùng PGS TS Nguyễn Quang Toản)

Sau cùng, Tôi gửi lời cảm ơn đến quý Hội viên, các cá nhân, doanh nghiệp, đối tác và Ban chấp hành nhiệm kỳ này đã tin tưởng và đề cử,  bầu chọn Tôi. Trong nhiều năm sinh hoạt tại Hội, Tôi hiểu sẽ cần làm những gì tốt nhất cho Hội. Tôi đã-đang và sẽ cùng Ban chấp hành và các Hội viên của mình đề ra đường hướng phát triển (có phần đổi mới, sáng tạo trên nền tảng căn cơ của Hội) cho Hội được trở thành ngôi sao tỏa sáng phục vụ cho và vì cộng đồng chất lượng của mình.

PV: Vâng, cảm ơn Ông. Ông có thể chia sẻ một chút về các hoạt động, chương trình gì sắp tới của Hội không?

Ông Liêng:

Hội được Chủ tịch UBND TP HCM Ông Phan Văn Mãi ký ban hành Quyết định số 317/QĐ-UBND (25/01/2024) Phê duyệt Điều lệ sửa đổi, bổ sung. Chúng tôi sẽ căn cứ vào Điều lệ (mới) này để triển khai hoạt động.

Hiện chúng tôi vừa xây dựng kế hoạch vừa kiện toàn lại bộ máy nguồn nhân lực (sau khoảng thời gian gián đoạn vì sự qua đời của Cố Chủ tịch). Điều chúng tôi vừa thực hiện được xong và cũng nhận được sự hoan nghênh của mọi người là đổi mới Logo cho Hội.

Bạn thấy đấy – hình ảnh Logo mới là 03 cánh sen (vàng, lam, lục) được lồng ghép tạo hình một cấu trúc động (bay) với hai cánh dang rộng, hướng về phía trước, tượng trưng cho sự phát triển không ngừng vươn lên và kiên trì theo đuổi giá trị Chất Lượng.

Trong quý II tới này, Hội sẽ tổ chức

  • Buổi lễ kết nạp chính thức tất cả các Hội viên đã đăng ký và đóng phí
  • Hội nghị thường niên kết hợp Hội thảo chuyên đề về Chất Lượng Xanh – Hành trình phát triển bền vững
  • Sự kiện ra mắt trang thông tin điện tử chính thức của Hội chatluongxanh.vn

Chúng tôi cũng  rất tâm huyết và đang xây dựng, kiện toàn bộ cẩm nang (sản phẩm/dịch vụ) về chất lượng phục vụ cho cộng đồng của mình như: ESG, EUDR, Tín chỉ carbon và Phát triển bền vững. Tôi bật mí đến đây thôi (cười) Tôi muốn giữ bí mật một chút để “món quà” này là sự bất ngờ mang lại niềm vui và giá trị cho các hội viên, đối tác của mình.

Dĩ nhiên, Hội cũng sẽ trân trọng gửi lời mời tham dự và vẫn duy trì báo cáo đầy đủ với các cơ quan quản lý Nhà nước và quản lý trực tiếp Hội chúng tôi là Sở Nội vụ và Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Ông có thể cho biết điều gì tạo nên sự khác biệt của Hội Chất lượng TP Hồ Chí Minh so với các tổ chức Hội/Hiệp hội khác và khi tham gia vào Hội thì mọi người sẽ được gì?

Ông Liêng:

Thứ 1: Hội là một tổ chức xã hội-nghề nghiệp chuyên ngành về chất lượng, tập hợp các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chất lượng và luôn kiên trì theo đuổi con đường chất lượng trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

Tại Hội cũng quy tụ những chuyên gia lâu năm nhiều kinh nghiệm thực tiễn có thể thực hiện được các hoạt động tư vấn, đào tạo, chia sẻ về kiến thức chất lượng

Thứ 2: Hội Chất lượng TP HCM là ủy viên Ban Chấp hành của Hội chất lượng châu Á (Asian Network for Quality – ANQ) được thành lập năm 2002 tại Tokyo. Đây là một trong 3 tổ chức quốc tế lớn, chuyên sâu liên quan đến hoạt động chất lượng. ANQ đến nay có 20 thành viên từ các quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á trong đó Hội Chất lượng TP HCM tự hào là 1 trong 20 thành viên này. Đây cũng là điểm cộng về mặt tầm vóc và giá trị tạo nên được sự khác biệt cho Hội chất lượng TP HCM – tuy không quá phổ cập nhưng các hoạt động đều có chiều sâu trên nền tảng cùng hội viên hội nhập quốc tế bằng con đường chất lượng.

Khi mọi người tham gia Hội, bạn nhìn thấy đây là các quyền lợi khi trở thành Hội viên:

PV: Nếu dùng một câu (slogan) để nói về Hội, thì đó là gì, thưa Ông?

Ông Liêng:

Chất lượng chính là sự chứng nhận – thừa nhận và ghi nhận.

Để rõ hơn câu này, Tôi dùng Bộ 03 sau để mô tả:

PV: Vâng, khá dễ hiểu và rõ ràng trong hình dung. Trong thời gian qua, chúng ta đã nghe nói nhiều về Kinh tế xanh, Phát triển bền vững. Chính phủ và các Bộ/Sở/Ban Ngành cùng các doanh nghiệp cũng đã có nhiều hội nghị thúc đẩy việc doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng trong sản xuất, dịch vụ. Theo Ông, tiêu chuẩn chất lượng xanh là như thế nào?

Ông Liêng:

Nói đến tiêu chuẩn chất lượng xanh, Tôi cần nói qua về các khái niệm của tiêu chuẩn này tại một số khu vực điển hình, cụ thể:

Tiêu chuẩn chất lượng xanh của Châu Âu là:

EU ECOLABEL: Dấu hiệu chứng nhận cho biết sản phẩm hoặc dịch vụ tuân thủ các tiêu chí môi trường nghiêm ngặt, từ sản xuất đến tiêu dùng.

TIÊU CHUẨN ISO 14000: Tiêu chuẩn tập trung vào quản lý môi trường, giúp các tổ chức giảm tác động tiêu cực lên môi trường.

TIÊU CHUẨN EN 13432: Tiêu chuẩn về bao bì, phân loại và tái chế bao bì, nhấn mạnh việc sử dụng vật liệu dễ phân hủy sinh học EMAS

Eco-Management and Audit Scheme: Hệ thống quản lý môi trường và kiểm toán của Liên minh Châu  Âu, nhằm cải thiện hiệu suất môi trường của các tổ chức

Tiêu chuẩn chất lượng xanh của Châu Á là:

TIÊU CHUẨN ISO 14001: Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn trên để quản lý tác động môi trường của doanh nghiệp và cải thiện hiệu suất môi trường

ECO-LABEL KOREA: Một chương trình chứng nhận môi trường ở Hàn Quốc, nhằm mục đích giảm tác động môi trường của sản phẩm và dịch vụ.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã phát triển nhiều sáng kiến và chương trình nhằm thúc đẩy phát triển xanh và bền vững trong khu vực như Sáng Kiến Xanh Asean,

Tại Việt Nam chúng ta có tiêu chuẩn chất lượng xanh tiêu biểu qua một số hạng mục:

  • Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Biến đổi Khí hậu: Đặt mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển xanh
  • Chương trình Xanh hóa Doanh nghiệp: Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm
  • Chứng nhận VietGap (Thực hành Nông nghiệp tốt)

  • Chứng nhận xanh cho du lịch

Khái niệm: Chất lượng Xanh: Phát triển cuối thế kỷ 20 đầu 21với nền tảng TQM (Total Quality Management) CSR (Corporate Social Responsibility) và ISO 14001

 

Chất lượng Xanh:

  • Quality Management : Bảo đảm sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các tham số đo lường chất lượng truyền thống: functionality, dutrability, reliability …
  • Environmental Sustainability: Tích hợp các xem xét các tác động môi trường vào mọi giai đoạn chu kỳ sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất, sử dụng và tiêu hủy. Bao gồm carbon footprints, rác thải, bảo tồn tài nguyên và vật liệu thân thiện mội trường.  

Chất lượng Xanh: (Khách hàng)

  • Chất lượng cảm nhận (Perceived Quality) của khách hàng về các dòng sản phẩm xanh, tập trung vào tính bền vững môi trường. Đây là một yếu tố quan trọng trong marketing xanh, ảnh hưởng đến ý định mua hàng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

PV: Vậy theo quan điểm của ông, góc nhìn người tiêu dùng thì nghĩ như thế nào về chất lượng xanh?

Ông Liêng:

Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ có 04 cảm nhận:

  • CẢM NHẬN VỀ CHẤT LƯỢNG: Đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm qua tác động môi trường, độ bền và hiệu quả
  • CẢM NHẬN VỀ GIÁ TRỊ: Những lợi ích và hiệu quả mà người tiêu dùng cảm nhận được khi sử dụng sản phẩm
  • CẢM NHẬN VỀ ĐỘ PHỦ: Độ phủ sóng rộng của sản phẩm xanh đến người tiêu dùng.
  • CẢM NHẬN VỀ GIÁ: Giá của sản phẩm tương xứng với những giá trị mà nó đem lại

PV: Nhiều doanh nghiệp đã và đang bắt đầu theo đuổi chiến lược xanh trong sản xuất với việc bắt đầu nhận thức, tuân thủ một cách nghiêm túc hơn các quy định, chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, vậy Ông vui lòng cho biết các thách thức và cơ hội phía trước là gì?

Ông Liêng:

Đầu tiên Tôi nói về thách thức:

  • Nguồn lực lớn về tài chính, nhân lực và đầu tư về công nghệ, máy móc
  • Hiểu biết và năng lực về chất lượng xanh còn hạn chế
  • Sự kháng cự của người tiêu dùng với cái mới ( Innovation Resistance Theory, Ram and Sheth (1989) )
  • Cái bẫy của chiến lược Marketing mang tên Greenwashing. Greenwashing nói dễ hiểu tóm gọn chính là:
  • Chiến lược tiếp thị được một số công ty sử dụng để tạo ấn tượng sai lệch về sản phẩm, dịch vụ.
  • Phóng đại hay sử dụng các tuyên bố mơ hồ về các lợi ích môi trường của sản phẩm
  • Dẫn đến sự hoài nghi và mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh

Còn cơ hội, dĩ nhiên chúng ta có nhiều cơ hội:

  • Tiếp cận lớp khách hàng mới, có ý thức cao về gìn giữ, bảo vệ môi trường và sẵn sàng chi trả nhiều hơn.
  • Giảm chi phí và tăng hiệu quả của sản xuất
  • Tăng lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu
  • Đẩy mạnh toàn cầu hóa thương hiệu

Các cơ hội và thách thức trên nếu mổ xẻ mở rộng ra sẽ còn rất nhiều chi tiết cần thảo luận kèm giải pháp, và phương hướng.

Trong bài này, Tôi chỉ nêu tiêu điểm để bạn đọc cùng xem và tìm hiểu, nghiên cứu.

PV: Để rõ ràng hơn, Ông có thể nêu một ví dụ cụ thể?

Ông Liêng:

Tôi lấy ngay ví dụ trong tình huống kinh doanh của công ty mình là công ty Vinacacao với Mutual Trade Agreement còn gọi là MTA – Hợp tác song phương. Tháng 12/2023 vừa qua,  Vinacacao chúng tôi và Libeert – hãng Sô cô la lâu đời nhất của Bỉ ký kết hợp tác MTA. Mang đến dòng sản phẩm Sô cô la Tượng hình nhập khẩu từ Bỉ với bao bì giả nhựa làm từ gỗ, thân thiện với môi trường.

MTA  tuân thủ và áp dụng yêu cầu của FSSC, GRSI, EU Deforestation-free Regulation và Cacao-Trace. Trong đó Cacao-Trace là chương trình phát triển bền vững chuỗi cung ứng ca cao, tập trung cải thiện hương vị sô cô la, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan từ người nông dân đến người tiêu dùng.

Vinacacao chúng tôi đã – đang và sẽ luôn kiên trì đeo đuổi việc cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng xanh đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn chất lượng như Tôi đã chia sẻ như trên từ trong nước đến khu vực và trên thị trường quốc tế. Người tiêu dùng/Khách hang ngày nay của chúng ta đã thông minh và tinh tế hơn rất nhiều, chúng ta cần tôn trọng họ và luôn có trách nhiệm mang đến cho họ những sản phẩm thật sự chất lượng theo đúng nghĩa của nó.

PV: Vâng , 1 câu hỏi cuối: Vậy theo Ông, Chất Lượng Xanh giữ vai trò như thế nào trong thế giới kinh doanh nhiều biến động như hiện nay?

Trong thế giới nhiều biến động và bất động VUCA như hiện đại, Tôi tin điều mà những nhà lãnh đạo, điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng như các chuyên gia kinh tế, chuyên gia chất lượng,… mong muốn chính là có thể ổn định và phát triển bền vững.

Tôi hình tượng đây là một cuộc chiến và Chất Lượng Xanh chính là vũ khí mềm mà những vị tướng doanh nhân sẽ phải sở hữu, tái tạo, gìn giữ, duy trì.

Chất Lượng Xanh cùng những “người bạn” của mình như Mục tiêu Xanh, Chính sách Xanh, Hành động Xanh,… đã và đang là một sự tất yếu mà chúng ta phải cam kết, thực hiện.

Tôi tin các nhà doanh chủ đã hiểu và đang rất nỗ lực để chuyển đổi.

Hội Chất Lượng của chúng tôi cũng trong vòng quay chung này mà chung tay, kết nối và đồng hành cùng các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân để sáng tạo và thực thi những hoạt động đúng nghĩa chất lượng xanh để “vũ khí mềm” này được sử dụng một cách tối ưu hiệu quả nhất giá trị nhất cho việc phát triển kinh tế của xã hội, bảo vệ môi trường chúng ta đang sống cho hiện tại và tương lai được tốt đẹp

PV: Rất cảm ơn Ông về buổi trò chuyện chi tiết và hữu ích này! Chúc những mong muốn của Ông và Kế hoạch của Hội Chất lượng TP HCM sẽ hiện thực hóa được một cách chất lượng nhất cho cộng đồng mà mình phụng sự!